Công trình của ngành Dầu khí được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
Thứ hai, 20 Tháng 2 2012 07:12

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ cho 32 công trình và cụm công trình năm 2010, vừa được tổ chức trang trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội vào sáng ngày 18/2/2012.

Giải thưởng lần này được trao cho 176 nhà khoa học là tác giả, đồng tác giả của 32 công trình và cụm công trình tiêu biểu cho các thế hệ các nhà khoa học Việt Nam. 32 công trình và cụm công trình đã được xem xét đánh giá, khẳng định một các nghiêm túc, khách quan qua 3 cấp hội đồng xét duyệt.

Chủ tịch Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ - Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Nguyễn Văn Quân- cho biết, những công trình và cụm công trình đạt giải là những nghiên cứu đặc biệt xuất sắc thuộc 5 lĩnh vực: khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật; khoa học nông nghiệp và khoa học y dược. Đây là những công trình có giá trị khoa học và tư tưởng rất cao, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài về lý luận và thực tiễn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc. Hội đồng giải thưởng cấp Nhà nước đánh giá rất cao những công trình khoa học đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về nông nghiệp, phát triển nhanh và bền vững với những công trình lớn của quốc gia về thủy điện, dầu khí.

Trong số 3 công trình khoa học công nghệ đặc biệt xuất sắc được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, có công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" của ngành Dầu khí Việt Nam.

 


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao giải thưởng của ngành Dầu khí cho

Tiến sĩ Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam


Tiến sĩ Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam – đánh giá, đây là một công trình sáng tạo với nhiều bằng phát minh, là sáng kiến của đội ngũ 49 cán bộ khoa học ngành Dầu khí Việt Nam trong thời gian hơn 24 năm. Công trình đã hình thành quan điểm tìm kiếm thăm dò dầu khí mới và kết quả đã góp phần rất lớn cho kinh tế đất nước.

Theo tiến sĩ Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro - cái tên “Bạch Hổ” đã đi vào các văn liệu dầu khí thế giới và được ghi nhận như mỏ dầu lớn nhất của Việt Nam, nhưng cũng là mỏ có trữ lượng cực lớn (trên 500 triệu tấn trữ lượng tại chỗ) được khai thác với cường độ và sản lượng cao (trên 12 triệu tấn/năm) từ tầng chứa là đá móng granitoid Mesozoi trong bể trầm tích Đệ Tam trên thế giới. Vietsovpetro đã phát hiện và bắt đầu khai thác dầu từ móng mỏ Bạch Hổ kể từ ngày 6/9/1988 đến nay đã gần 24 năm. Từ đó đến nay, Việt Nam đã khai thác từ  tầng chứa móng nứt nẻ trên 200 triệu tấn dầu (khoảng 80% tổng sản lượng dầu), thu gom trên 26 tỉ m3 khí với gần 6 triệu tấn LPG và condensat, tổng doanh thu dầu khai thác từ tầng đá móng lên tới trên 50 tỉ USD. Đó là yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và sự phát triển ổn định chung của nền kinh tế.

Việc phát hiện và khai thác có hiệu quả dầu trong đá móng nứt nẻ, hang hốc là thành tựu khoa học - công nghệ của Tập đoàn Dầu khí, đi tiên phong là Vietsovpetro, mang lại lợi ích kinh tế cực lớn và là một kỳ tích đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn cho khoa học dầu khí thế giới.


Theo Công Thương


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
Đơn vị thành viên